“Khi mà người dân hoang mang trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì doanh nghiệp (DN) cần phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Cần mạnh dạn công khai với dư luận sản phẩm của họ mới là thật để người tiêu dùng không mua phải hàng giả. Khi đó, hàng kém chất lượng sẽ khó có đất sống”, ông Dương Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor chia sẻ với Doanh nhân & Pháp luật.
Ông Dương Quốc Tuấn – TGĐ Tập đoàn Austdoor
– Hiện nay nhiều DN vẫn chưa chú trọng đến việc bảo hộ thương hiệu, dẫn đến việc bị làm giả, làm nhái, thậm chí bị đánh mất thương hiệu. Ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?
Vấn đề này đang xảy ra ở các DN vừa và nhỏ. Một số DN Việt có thói quen ra mắt sản phẩm, tung ra thị trường để thử nghiệm và khi thành công rồi mới đăng ký bản quyền. Đó là một sai lầm trầm trọng cần phải loại bỏ.
Ví dụ: Khi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm của bạn đạt được sự tin dùng của người tiêu dùng và lúc đó bạn quay lại đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, có một kẻ gian khác ăn cắp chính mẫu mã và kiểu dáng đó đem đi đăng ký sở hữu trí tuệ trước.
Khi đó, bạn vô tình trở thành kẻ làm nhái. Vậy thì, nên chăng, bạn hãy đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi tung sản phẩm ra thị trường?
– Đánh giá của ông về vai trò của DN trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay?
Chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà DN không vào cuộc thì coi như thất bại. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay các DN vẫn chưa chủ động đối với vấn đề này. Khi mà người dân đang hoang mang trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì DN cần có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Cần mạnh dạn công khai với dư luận sản phẩm của họ mới là thật để người tiêu dùng không mua phải hàng giả. Khi đó, hàng kém chất lượng sẽ khó có đất sống. Mặt khác, nếu DN hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thì họ mới có cơ sở thẩm định, bằng chứng để làm rõ sản phẩm của đối tượng kia là giả, lúc đó mới xử lý được.
DN mà cứ né tránh, e ngại thì cuộc chiến này còn kéo dài hoặc sẽ không có hồi kết.
Thực tế cho thấy, cộng đồng thương hiệu của một quốc gia càng lớn mạnh thì nền kinh tế của nước đó càng tăng trưởng, phát triển bền vững. Vì thế, nếu cộng đồng DN không chung tay trong cuộc chiến này, không nỗ lực xây dựng và bảo vệ thương hiệu thì đất nước sẽ rất khó phát triển.
– Vậy đâu là biện pháp để chữa trị “căn bệnh” này, thưa ông?
Thực tế có quá nhiều mặt hàng đang bị làm giả, làm nhái. Các mặt hàng như mỹ phẩm, hàng tiêu dùng…và ngay đến cả que tăm cũng không tránh được vấn nạn này. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ để giảm thiểu “căn bệnh” này chúng ta cần lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần sản xuất ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Thứ hai, tạo dựng hệ thống kênh phân phối để sản phẩm thật của DN đến được với người tiêu dùng. Về bản chất thì chính người tiêu dùng bỏ tiền ra mua giá trị sử dụng của sản phẩm, bởi vậy sản phẩm chất lượng tốt và chính hãng thì mới tạo được lòng tin, sự trung thành với họ.
Thứ ba, trách nhiệm của các cơ sở quản lý thị trường phải ngăn chặn hành vi tuồn hàng nhái, hàng giả từ biên giới vào Việt Nam.
Thứ tư, nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong việc mua sắm, không nên vì tham rẻ mà nhanh chóng đưa ra quyết định mua hàng, lơ là việc kiểm định chất lượng để phân biệt hàng thật, hàng nhái.
– Để kiểm soát được hàng giả, hàng nhái, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng?
Về phía cơ quan Nhà nước, theo tôi, cần phải kiên quyết ngăn chặn vấn nạn này. Trong cuộc đấu tranh này, phải có sự chung tay, kết hợp “ba nhà”: DN sản xuất, người tiêu dùng và các cơ quan thực thi mới có thể dập tắt được hàng giả, hàng nhái.
Về phía người tiêu dùng, cũng cần tỉnh táo khi lựa chọn. Hãy là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn cho mình những mặt hàng chính hãng, có thương hiệu rõ ràng. Từ đó có thể sở hữu được những sản phẩm: Chất lượng – Bền bỉ – An toàn.
– Tập đoàn Austdoor đã có biện pháp cụ thể gì để ngăn chặn việc bị làm giả, làm nhái sản phẩm của mình?
Để chống lại việc kẻ gian có thể sao chép mã cửa cuốn, Austdoor đã phát triển công nghệ Austmatic Rolling Code (ARC) áp dụng trên hệ điều khiển cửa cuốn từ năm 2011. Theo chuyên gia của Austdoor, với các môtơ cửa cuốn sử dụng công nghệ mã cố định thì kẻ gian có thể sử dụng thiết bị dò sóng để ăn cắp mã số mở cửa và khi đã có được mã số mở cửa, chúng có thể đột nhập để lấy cắp tài sản của gia chủ một cách dễ dàng.
Công nghệ ARC được xây dựng dựa trên nền tảng thuật toán mã hóa công khai RSA – thuật toán được sử dụng để phát triển công nghệ Token Key đang được ứng dụng rộng rãi tại các ngân hàng trên thế giới.
Với công nghệ ARC, hệ điều khiển cửa cuốn Austdoor có khả năng sinh ra hàng tỷ mã ngẫu nhiên, không lặp lại trong mỗi lần sử dụng. Các mã điều khiển này được sinh ra khi người sử dụng bấm nút điều khiển từ xa để vận hành cửa.
Ngay sau phiên làm việc, mã điều khiển ngẫu nhiên này tự hủy và được thay thế bởi một mã ngẫu nhiên khác. Nhờ đó mà kẻ gian không thể sao chép mã điều khiển cửa cuốn Austdoor để thực hiện việc đột nhập như sự việc đã nêu ở trên. Chính vì vậy, với công nghệ ARC thì kẻ gian rất khó để làm giả, làm nhái.
Xem thêm : NHÀ MÁY NHƠN TRẠCH ĐẠT CHỨNG NHẬN ISO 9001:2015 VÀ CHUẨN HỢP QUY QCVN 16:2019/BXD